Thứ Hai, 26 tháng 12, 2016

Bình an dưới thế

Hôm nay, Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến với chúng ta để sống với, sống cùng chúng ta. Chúa Giêsu hòa mình vào nhân loại, sống kiếp người để đồng hành và đồng cảm với chúng ta, để cùng vui buồn với chúng trong kiếp người. Ngay trong đêm Chúa Giêsu giáng sinh, chúng ta nhận được một thông điệp do các thiên thần cất tiếng ca tụng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Ngôi Hai xuống thế để làm người, đồng thời cũng ban bình an cho nhân loại, cho loài người Chúa thương. Bình an là ân ban nhưng không khi Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng khi sống giữa cuộc đời đầy biến động, bôn ba trong hành trình đời mình với những biến cố đau thương, thất bại, chán nản,.. tất cả những điều đó đẩy ta tới một lối suy nghĩ và nhiếu khi ta cũng tự hỏi:
Bình an Ngôi Hai Thiên Chúa tặng ban có giống bình an thế gian không?
Bình an của Thiên Chúa mang đến là gì, trong khi đời sống của tôi, một Kitô hữu vẫn cảm thấy bất an?
Dười ánh sáng đức tin soi chiếu, chúng ta nhận ra bình an Ngôi Hai Thiên Chúa mang đến khácrất khác với bình an thế gian. Thế gian có thể cho ta bình an khi ta có được nhiều của cải, tiền bạc, danh vọng, chức quyền, chúng ta thấy vui và hạnh phúc với những gì mình có. Nhưng đó có phải là một sự bình an thực sự không? Không, những thứ đó có thể cho ta thấy bình an, nhưng không phải là bình an thực sự. Tin Mừng hôm nay cho ta thấy rõ được điều đó. Những người có nhà trọ vì bị vật chất đời thường làm cho lu mờ không nhận ra ngôi Hai Thiên Chúa, họ không đồng cảm trước cái nghèo, sự thiếu thốn của người khác. Những trẻ mục đồng chăn Chiên, chẳng có gì cả, thiếu thốn nhưng đã được các thiên thần mời gọi, thúc dục và những trẻ mục đồng cảm được bình an nơi Chúa. Ngôi Hai xuống thế làm người trong cảnh thiếu thốn, nghèo hèn. Không nhà trọ, trời tối lạnh, những thiếu thốn bên ngoài nhưng thánh Giuse mà mẹ Maria vẫn cảm nhận được bình an, tìm thấy bình an giữa những biến động của thế gian vì hai ngài khám phá ra có Chúa ở cùng. Như vậy, bình an thực sự là bình an “có Chúa ở cùng”.
Thông điệp trong đêm Chúa giáng sinh là “Emmanuen – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thiên Chúa ở cùng chúng ta nghĩa là Chúa ở với ta, Chúa ở cùng ta trong suốt hành trình đời ta. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để đồng hành với chúng ta trong suốt hành trình đời ta, để đồng cảm với chúng ta trong cuộc đời đầy biến động và sóng gió làm cho chúng ta nhiều lúc mất đi bình an trong tâm hồn.
Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người giúp ta khám phá ra một ý nghĩa mới của sự bình an trong kiếp nhân sinh.
Bình an không phải là không có biến động, tránh khỏi những bão tố của cuộc đời. Bình an thực sự là khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, tình thương của Chúa đồng hành với ta. Cuộc đời của mỗi người chúng ta làm sao né tránh được những đau khổ, thất bại,... nhưng điều quan trọng hơn cả là khi đối diện với những điều đó ta có thấy bình an không. Chúng ta có khám phá ra Thiên Chúa đồng lao cộng khổ với ta không.
Bình an là khám phá ra thánh ý Thiên Chúa trong những báo tố, khám phá ra sự đồng hành của Thiên Chúa, tình thương của Chúa trong những thách đố, rắc rối. Chúng ta đừng tìm kiếm bình an trong những hang đá với đủ sắc đèn lòe loẹt, đừng tìm niềm vui trong những buổi tiệc mừng. Chúng ta phải tìm bình an và niềm vui thực sự nơi một hài nhi trong thân phận con người, Chúa đến với chúng ta trong thân phận con người để chúng ta gặp gỡ được Chúa, thấy được Chúa, cảm được Chúa. Phải khám phá, phải tìm kiếm Thiên Chúa, thánh ý Thiên Chúa bằng chính cuộc đời mà chính Người ban tặng cho ta.
Tôi có thực sự gặp Chúa, khám phá ra sự đồng hành, tình thương của Chúa trong những biến cố vui, buồn trong hành trình đời tôi không?
Đức Kitô đã làm người và trở nên giống con người để cho con người có thể nên giống Ngài để được sự sống đời đời. Chúng ta phải hòa mình để cùng sống với Đấng Emmanuen, phải diễn lại cuộc đời của Đấng Emmanuen ngay trong chính đời sống của ta để cảm được bình an thực sự, bình an mang một ý nghĩa biến đổi. Bình an xuất phát từ niềm tin, từ tình yêu, từ xác tín sâu thẳm trong đáy tâm hồn.


Ngài vì yêu nhân thế, nên trên ngôi cao chín tầng,
Chúa đã hóa thân làm người, trần gian ơi hãy vui lên...



Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Chờ đợi trong tỉnh thức

Mùa Vọng được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ đầu mùa Vọng đến hết ngày 16 tháng 12. Giai đoạn thứ hai từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 12 (tuần áp lễ Chúa Giáng sinh). Hôm nay, mùa Vọng chính thức chuyển bước vào giai đoạn thứ hai. Xin được nhắc lại tâm tình sống trong mùa Vọng là tâm tình chờ đợi, chờ đợi ngày Chúa đến. Chờ đợi là tâm tình không thể thiếu nhưng chúng ta phải chờ đợi trong tỉnh thức, chờ đợi trong tỉnh thức là điều rất quan trọng để có thể gặp được Chúa trong ngày Chúa đến. Nếu chúng ta chờ đợi nhưng thiếu tỉnh thức thì vẫn không nhận ra và không gặp được Chúa. Nếu thiếu tỉnh thức, ta sẽ rơi vào trạng thái lơ lửng, không biết phải chờ Chúa nào, rồi ta sẽ lại rơi vào trường hợp như các môn đồ của Gioan Tẩy Giả: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7,19). Giai đoạn thứ hai của mùa Vọng giúp ta nhận ra một điều Chúa đã gần đến và Chúa sẽ đến và đến trong bất ngờ.
Cách Chúa đến thật bất ngờ! Người ta cứ tưởng Đấng Cứu Thế sẽ uy nghi từ trên mây trời hiện xuống, không ngờ Người lại do một thôn nữ dưới đất sinh ra.
Nơi Chúa đến thật bất ngờ! Người ta cứ tưởng Đấng Cứu Thế phải ngự trong lâu đài sang trọng của Vua chúa, nhưng không ngờ Người lại sinh ra trong chuồng bò lừa, nơi không ai ngờ đến.
Thời gian Chúa đến thật bất ngờ! Ngay từ đầu Mùa Vọng, chúng ta được mời gọi sống tâm tình sẵn sàng, tỉnh thức: “Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24,44).
Dấu hiệu Chúa đến thật bất ngờ! Gioan Tẩy Giả đã rao giảng, kêu gọi mọi người chuẩn bị cho ngày Chúa đến: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa(Mt 3,10). Người ta cứ tưởng Đấng Cứu Thế phải uy hùng, oai hùng, lẫm liệt, nhưng không ngờ Người lại đến trong khiêm nhường, và quá hiền lành nơi một hài nhi bé nhỏ.
            Cách Chúa đến, nơi Chúa đến, thời gian Chúa đến và những dấu hiệu cho ngày Chúa đến thật bất ngờ và khác thường như  người ta vẫn nghĩ. Nếu không tinh ý ta sẽ dễ bị đành lừa, khó và không nhận ra Chúa đến. Trong bất ngờ, trong khác thường, chúng ta phải rất tỉnh thức, tỉnh thức để nhận ra chương trình của Chúa. Tỉnh thức để chúng ta phải thay đổi não trạng, thay đổi lối suy nghĩ theo hướng dẫn của Thánh Thần chứ không phải theo cách của ta, lối suy nghĩ của ta là cứ bám vào những gì đã có sẵn.

            Xin Chúa giúp cho chúng con biết chờ đợi, chờ đợi trong tỉnh thức để chúng con thực sự  nhận ra đâu là nơi chúng con chờ đợi Chúa đến, đâu là nơi chúng con khám phá ra cách Chúa đến để chúng con gặp được Chúa, một sự gặp gỡ đích thực, chứ không phải chờ đợi mà không biết chờ đợi Chúa nào?”, Chúa nào đến?”, như khi xưa các môn đồ của Gioan Tẩy Giả đã hỏi Chúa: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?. Amen!

http://www.mfvietnam.org/cho-doi-trong-tinh-thuc.html




Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam - Thánh lễ truyền chức Phó tế và Linh mục


  Nguyện cho các Thầy luôn trưởng thành trong ơn gọi, xác tín hơn nữa vào tình yêu của Đấng kêu gọi mình. Xin cho các Thầy giữ vững những ân phúc Chúa đã thương ban để biến cuộc đời của mình trở thành niềm vui, hy vọng để làm Vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.
Đó là những tâm tình mà Đức Giám mục (ĐGM) Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Giáo phận Phú Cường – nhắn gửi đến quý tiến chức trong Thánh lễ truyền chức Phó tế và Linh mục tại nhà thờ Chánh tòa Phú Cường vào thứ Bảy ngày 8.12.2016, ngày Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên tội
Ngày lễ hôm nay là một hồng ân to lớn mà Thiên Chúa ban cho Hội Dòng, cách riêng là cho Tỉnh Dòng Việt Nam, khi cùng lúc, Tỉnh Dòng có hai Tu sĩ (Ts) được truyền chức Phó tế và bảy Ts truyền chức Linh mục (Lm). Trong số các tiến chức chức Phó tế, có một tiến chức là Ts thuộc Tu đoàn Tông Đồ Giáo sĩ Nhà Chúa - thuộc Tổng Giáo phận Tp.HCM.
-                 Quý Thầy được truyền chức Phó tế:
1.      Thầy Đaminh Nguyễn Du Trường Hải, MF
2.      Thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Trọng Oánh, MF
3.      Thầy Tôma Trần Phương Quang, SDD
-                 Quý Thầy được truyền chức Linh mục:
1.      Thầy Giuse Nguyễn Ngọc Cẩn, MF - thuộc Giáo xứ Tiên Chu, Giáo phận Xuân Lộc.
2.      Thầy Phanxicô Xaviê Nguyễn Công Chính, MF - thuộc Giáo xứ Hòa Phát, Giáo phận Đà Lạt.
3.      Thầy Đaminh Saviô Nguyễn Cơ Thạch, MF - thuộc Giáo xứ Vinh Hương, Giáo phận Ban Mê Thuột.
4.      Thầy Giuse Nguyễn Minh Thiên, MF - thuộc Giáo xứ Phú Ninh, Giáo phận Phú Cường.
5.      Thầy Giuse Đinh Văn Thắng, MF - thuộc Giáo xứ Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu.
6.      Thầy Phaolô Nguyễn Quốc Tuấn, MF - thuộc Giáo xứ Bình Minh, Giáo phận Xuân Lộc.
7.      Thầy Phêrô Nguyễn Thanh Vương, MF - thuộc Giáo xứ Bàu Ao, Giáo phận Phú Cường.
Đúng 8g30’, giai điệu hân hoan của bài ca nhập lễ vang lên “Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi con giữa muôn người. Giờ đây con hân hoan bước lên bàn thờ Chúa dâng tiến Cha xác hồn trắng tinh…” đoàn đồng tế bắt đầu di chuyển từ cuối nhà thờ tiến vào cung thánh.
ĐGM Giuse Nguyễn Tấn Tước – Giám mục Giáo phận Phú Cường – chủ tế Thánh lễ. Đồng tế với ngài có ĐGM Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên Giám mục Giáo phận Phú Cường, Lm Micae Hoàng Đô Đốc, MF – Giám tỉnh Tỉnh Dòng Thừa sai Đức Tin Việt Nam; Lm Ric BasquiñezGiám tỉnh Tỉnh Dòng Thừa sai Đức Tin Phi-líp-pin; Lm Rejimon Devasia – Quản lí kiêm Cố vấn Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Thừa sai Đức Tin Ấn Độ, Lm Joseph Sodimala Ramarao – Thư kí kiêm Cố vấn Tỉnh dòng Thánh Phêrô Thừa sai Đức Tin Ấn Độ, Lm Gioakim Nguyễn Văn San, SDD – Tổng phụ trách Tu đoàn Tông Đồ Giáo sĩ Nhà Chúa; Quý Cha Bề trên thuộc các Hội Dòng, quý Cha Hạt trưởng Giáo phận Phú Cường, quý Cha Giám đốc Học viện Phaolô Nguyễn Văn Bình; Quý Cha, quý Tu sĩ thuộc các Hội Dòng trong và ngoài Giáo phận; Quý Chức sắc thuộc các Tôn giáo bạn. Ngoài ra, gia đình quý tiến chức và rất đông giáo dân đã về đây để cùng hiệp thông trong Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho quý tiến chức trung thành trong ơn gọi Phó tế và Lm.
Mở đầu Thánh lễ, ĐGM mời gọi cộng đoàn tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Người đã ban cho Tỉnh Dòng, cho Tu Đoàn, và cách đặc biệt, Người đã thương tuyển chọn quý Thầy hôm nay. ĐGM cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các tiến chức trung thành với ơn gọi mà mình đã chọn.
Ngay sau bài Tin Mừng, Thầy Phó tế lần lượt xướng tên các tiến chức được truyền chức Phó tế và Lm. Cha Micae Hoàng Đô Đốc, MF – Giám tỉnh Tỉnh Dòng Thừa sai Đức Tin Việt Nam khẩn xin ĐGM truyền chức cho quý tiến chức. Sau khi tra hỏi rõ ràng, Cha Giám tỉnh đã làm chứng với ĐGM về các tiến chức là xứng đáng với chức Thánh. ĐGM đồng ý tuyển chọn các tiến chức vào hàng Phó tế và Lm. Cộng đoàn đồng thanh đáp “Tạ ơn Chúa” và vỗ tay chúc mừng các tiến chức.
Tiếp đến là Nghi thức Phong chức. ĐGM cử hành nghi thức phong chức Phó tế rồi tiếp ngay sau đó là nghi thức Phong chức Lm.
Nghi thức phong chức Phó tế được diễn tiến qua việc cử hành các nghi thức chính yếu. Các tiến chức tiến lên trong tay ĐGM. ĐGM nhắn gửi tâm tình giáo huấn đến quý tiến chức, tuyển chọn và đọc lời nguyện phong chức, trao dây Stola và sách Phúc âm cho quý tiến chức.
Nghi thức phong chức Lm được diễn tiến qua các cử hành chính yếu bằng việc các tiến chức lần lượt tiến lên trong tay ĐGM. ĐGM nhắn gửi tâm tình giáo huấn của một vị mục tử tương lai đến quý Tiến chức. ĐGM đặt tay đọc lời nguyện phong chức. Kế đến, ĐGM Phêrô cùng tất cả các Lm lần lượt tiến đến đặt tay trên từng tiến chức để biểu lộ sự hiệp nhất. Sau cùng, ĐGM trao áo, sức dầu bàn tay, trao chén thánh, bánh thánh và hôn chúc bình an cho quý tiến chức.
Từ giây phút này, Tỉnh Dòng Thừa sai Đức Tin Việt Nam có thêm 2 Phó tế và 7 Lm. Kết thúc nghi thức phong chức, toàn thể cộng đoàn tuyên xưng Đức Tin Thánh lễ được tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể
Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Cha Micae Hoàng Đô Đốc, MF - Giám tỉnh Tỉnh dòng Thừa sai Đức Tin –  đại diện cho toàn thể cộng đoàn nói lên những tâm tình tri ân quý Đức cha, quý Cha, quý Bề trên, quý Tu sĩ nam nữ, quý Ông bà cố, quý Chức sắc Tôn giáo bạn, các cấp Chính quyền và toàn thể cộng đoàn.
Đặc biệt, trong ngày lễ hôm nay, ca đoàn Tổng hợp (tất cả là thành viên thuộc các khối lớp khác nhau) thuộc Tỉnh Dòng Thừa sai Đức Tin dưới sự dẫn dắt của Nhạc sĩ Ngọc Linh đã giúp cộng đoàn nâng tâm hồn lên và tham dự Thánh lễ cách sốt sắng.
Bài hát “Hành khúc  Người Thừa Sai Đức Tin” được nhạc sĩ Ngọc Linh viết tặng quý Cha và quý Thầy Dòng Thừa sai Đức Tin được ca đoàn hát lên đã kết thúc Thánh lễ vào lúc 11g20’ trong niềm vui và hân hoan. Mọi người cảm nhận được sự cao cả và thiêng liêng của hồng ân Thánh hiến trong chức vụ Phó tế và Lm. Những lời ca Đoàn ta, những người Thừa sai Đức Tin, ra đi dấn thân cho một niềm tin, hiến dâng chót cả đời mình mang sứ mạng truyền rao chân lý. Ra đi mưu cầu hiệp nhất, đem Chúa đến cho người chưa biết Chúa, đem Đức tin cho người lạc xa đức tin. vẫn đang còn vang vọng nơi mỗi người như một lời nhắc nhở mọi người hãy sống và làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống đức tin của mình ngay tại trần gian này.
Sau Thánh lễ mọi người cùng chung vui trong bữa tiệc của tình hiệp thông tại khuôn viên Giáo xứ. Nguyện xin Đức Maria, Nữ vương của những người tuyên xưng Đức Tin và là bổn mạng chính của Hội Dòng Thừa sai Đức Tin, tuôn đổ muôn ơn lành trên tất cả mọi người.

http://www.vietcatholic.net/News/Html/207225.htm

http://conggiao.info/dong-thua-sai-duc-tin-viet-nam-thanh-le-truyen-chuc-pho-te-va-linh-muc-d-39259






Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Đi tìm con chiên lạc

Thứ Ba sau Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm A
Lời Chúa: Mt 18, 12-14
12 Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc.14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.


Suy niệm

Mối tương quan thâm tình giữa Thiên Chúa và con người được diễn tả qua nhiều hình ảnh khác nhau. Bài Tin Mừng hôm nay khai mở cho chúng ta mối tương quan tình yêu Thiên Chúa dành cho con người qua hình ảnh người mục tử và đàn chiên. Thiên Chúa là mục tử, còn chúng ta là đàn chiên được Người chăn dắt và săn sóc.
Thiên Chúa là người mục tử sống hết mình, chăm lo hết tình cho đàn chiên. Còn trong đàn chiên thì có những con chiên bất tuân mà bỏ đàn chiên đi lạc, làm bận tâm đến người mục tử. Chính việc bỏ đàn mà đi lạc của con chiên làm nổi bật lên tình yêu, lòng thương xót của người mục tử. Người mục tử phải hành động, phải bỏ lại các con chiên trong đàn mà đi tìm con chiên lạc.
Đi tìm con chiên lạc là một chọn lựa tình yêu của người mục tử. Người mục tử có quyền không đi tìm con chiên lạc. Vì giữa cái được và điều phải mất thì không cân xứng. Người mục tử có thể tìm được một con chiên bị lạc và cũng phải can đảm phải chấp nhận đánh mất chín mươi chín con chiên còn lại. Nhưng tình yêu không cho phép người mục tử khoanh tay đứng nhìn mà chấp nhận sự mất mát đó. Vì đối với người mục tử, mạng sống của mỗi một con chiên đều quý giá, bảo vệ mạng sống của từng con chiên trong đàn là việc quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ, với người mục tử, mỗi một con chiên đều ngang bằng và không có sự phân biệt giữa bất kì con chiên nào trong đàn chiên.
Đi tìm con chiên lạc là một hành động thương xót của người mục tử. Người mục tử không để cho tình thương, lòng thương xót của mình bị giam hãm, đóng khung trong lý thuyết, nhưng người mục tử đã hành động, đó là phải đi tìm. Đi tìm không phải vì đó là công việc phải làm hay vì trách nhiệm phải chu toàn. Chính việc đi tìm làm nên phẩm chất, nói lên ý nghĩa của người mục tử. Đi tìm là hành động phát xuất cách chân thành từ lòng thương xót của người mục tử. Nếu không thương xót, người mục tử đã không hành động và cũng chẳng bận tâm để đi tìm. Qua việc đi tìm, người mục tử luôn luôn sẵn lòng và tạo mọi điều kiện cho con chiên trở về, vì tất cả đều thuộc về đàn chiên của Người.
Lạy Chúa, mùa Vọng mời gọi chúng con trở về với Chúa. Chúng con là những con chiên lạc đã nhiều lần chốn chạy, bước ra khỏi tình yêu của Chúa nhưng Chúa vẫn luôn đang đi tìm và chờ đợi chúng con trở về. Xin cho lời mời gọi của mùa Vọng ‘hãy tỉnh thức’ thôi thúc chúng con mạnh mẽ hơn. Hãy tỉnh thức để nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, hãy tỉnh thức để trở về với Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Amen.
Giuse Vũ Duy An


Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Học viên Học viện Mục vụ thăm ĐHY và quí Cha hưu dưỡng


“Chuyến viếng thăm tập cho mỗi người chúng ta học cách sống giữa đời.Chúng ta gặp quý Cha để khám phá cuộc đời của các vị mục tử đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời của mình, và Chúa muốn nói với mình điều gì”.
Đó là những tâm tình mà Linh mục (Lm) đồng hành Giuse Đào Nguyên Vũ, SJ, đã nhắn gửi đến tất cả quý học viên trong chuyến viếng thăm quý Lm tại nhà hưu dưỡng Chí Hòa thuộc giáo hạt Chí Hòa, TGP TP.HCM trong ngày lễ mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê.
Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu Mùa Vọng, đúng 8g00 ngày 3.12.2016, các học viên hiện đang theo học các lớp tại Học viện Mục vụ đã tập trung đông đủ tại căn tin trong khuôn viên học viện để cùng lắng nghe những lời gợi ý mà Lm đồng hành chia sẻ, nhắn gửi nhằm giúp mọi người nhận ra ý nghĩa của chuyến viếng thăm hôm nay. Một chuyến viếng thăm không những nói lên tâm tình tri ân các vị mục tử mà còn giúp mỗi người biết khám phá chính mình, nhận ra hạnh phúc, niềm vui từ những điều bình dị trong cuộc sống mà nhiều khi mỗi người bỏ quên.
Chuyến viếng thăm được bắt đầu bằng việc thăm hỏi Đức Hồng y (ĐHY) Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, nguyên Tổng Giám mục TGP Saigon. ĐHY hiện đang nghỉ dưỡng tại nhà Truyền thống thuộc Học viện Mục vụ. Khi được đoàn đến thăm hỏi, tuy sức khỏe yếu kém nhưng ngài ân cần tiếp đón rất vui vẻ và chu đáo, ngài tặng quà cho từng học viên, cùng nhắn gửi đến quý học viên những tâm tình rất ý nghĩa: “Hãy dành thời gian sống thân thiện với mọi người, đó là đường dẫn đến phúc thật”. Sau đó, ĐHY ban phép lành và chúc lành cho chuyến viếng thăm của quý học viên diễn ra tốt đẹp. Ngài cũng chân thành gửi lời thăm đến quý Cha đang nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng.
Tiếp đến, mọi người cùng di chuyển đến nhà hưu dưỡng. Đúng 9g15, các học viên đã tập trung đông đủ tại nhà hưu dưỡng. Nhà hưu dưỡng Chí Hòa tọa lạc tại số 149 đường Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình, thuộc TGP TPHCM. Hiện tại, đây là nơi nghỉ hưu chính thức của các Lm trong TGP. Nhà hưu dưỡng hiện đang có 13 Lm nghỉ hưu. Có 3 nữ tu thuộc Hội Dòng Thánh Phaolô thành Chartres cùng cộng tác với các Cha trong việc chăm sóc y tế, ăn uống cùng các sinh hoạt khác.
Sau những giây phút chào hỏi, mọi người cùng trò chuyện trong tâm tình thân mật với quý Cha. Một bầu khí vui tươi, một khung cảnh hân hoan của những câu chuyện, lời hỏi thăm làm rộn vang khắp cả nhà hưu dưỡng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng quý Cha trò chuyện rất sôi nổi, hào hứng. Có những Cha còn kể những câu chuyện tiếu lâm cho mọi người nghe và còn tặng quà cho từng học viên. Được trò chuyện thân mật với các ngài, được trực tiếp quan sát, tận mắt chứng kiến đời sống của các ngài, mọi người ai nấy rất cảm động, khâm phục những người đã chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình. Các Ngài đã sống rất vui vẻ với cuộc sống hiện tại, bằng lòng với những gì đang có.
Tưởng như khi về hưu là quý Lm không còn làm gì nữa, không phải thế, công việc chính của các ngài là cầu nguyện cho Giáo hội và cách riêng là cho TGP qua việc kết hiệp mật thiết hơn với Chúa Giêsu. Khi được hỏi Lm Giuse Phạm Trung Thu, nguyên chánh xứ giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, về cảm nhận của ngài khi được thăm viếng, cũng như những sinh hoạt hiện tại, ngài chia sẻ: “Được nghỉ dưỡng ở đây, tôi cảm thấy mình có được nhiều thời gian hơn để cầu nguyện và chiêm niệm. Tôi được kết hiệp mật thiết hơn với Chúa, tôi dâng tất cả cho Chúa, mình đã chọn Chúa làm gia nghiệp cuộc đời, nên vui vẻ sống theo thánh ý của Ngài. Vì lý do sức khỏe nên tôi không thể tham gia nhiều sinh hoạt, nhưng nếu có ai cần lãnh nhận bí tích Hòa Giải tại nơi đây, thì tôi luôn sẵn lòng và hết mình giúp đỡ”.
Chuyến viếng thăm kết thúc vào lúc 10g30 trong tâm tình vui tươi, phấn khởi. Trước khi ra về, mọi người cùng đến viếng Thánh Thể Chúa nơi nhà nguyện Hưu dưỡng để xin Chúa soi sáng cho mỗi người nhận ra ý nghĩa của cuộc viếng thăm cũng như cầu nguyện thêm cho quý Lm cùng những người đang phục vụ tại nơi đây.
Chuyến viếng thăm nói lên tinh thần liên đới, thể hiện một tình yêu hiệp thông rất sâu sắc nhưng cũng rất đời thường, thật gần gũi và cũng rất chân thực giữa các tông đồ giáo dân, các tu sĩ thuộc các Dòng tu khác nhau với quý Lm giáo phận.
Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Phanxicô Xaviê, một vị tông đồ nhiệt huyết, hăng say trong lý tưởng truyền giáo mà Giáo hội mừng kính hôm nay, tuôn đổ muôn ơn lành hồn xác trên tất cả mọi người. Xin cho ngọn lửa tình yêu, tinh thần liên đới đó mãi mãi là nguồn sống, là động lực cho mọi người khởi đầu Năm Phụng vụ mới này, đặc biệt là chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa Giáng sinh.


    


   



Chút cảm nhận của bản thân
Chuyến viếng thăm khép lại nhưng đã mở ra cho mỗi người những tâm tình lắng đọng khác nhau. Mọi người đã biết mở rộng trái tim để đồng cảm với các vị mục tử, đã dám mở rộng đôi tay để học cách giúp đỡ những người chung quanh. Hạnh phúc, niềm vui trổ sinhtừ những điều giản dị, mọi người đều cảm nhận được hạnh phúc từ những những điều bình thường trong những sinh hoạt đời thường mà nhiều khi bỏ quên trong cuộc sống.